Sàn UPCOM là gì? Cách giao dịch, biên độ giá & những điều phải biết

Sàn UPCOM là gì? Cách giao dịch, biên độ giá & những điều phải biết

Sàn chứng khoán UPCOM sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho những ai hiểu rõ về đặc điểm và tiềm năng của nó. Bài viết dưới đây sẽ đem đến cho bạn tất cả những điều bạn cần phải biết, từ sàn UPCOM là gì đến cơ chế hoạt động, cách thức giao dịch và những lời khuyên dành cho nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường này.

Sàn UPCOM là gì?

san-upcom
UPCOM (Unlisted Public Company Market) là sàn gì?

Sàn UPCOM (Unlisted Public Company Market) là một hệ thống giao dịch cổ phiếu dành cho các công ty đại chúng chưa niêm yết trên hai sàn giao dịch chính thức của Việt Nam là HOSE (Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM) và HNX (Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội). 

Sàn UPCOM do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) quản lý và được xem như một trong ba sàn giao dịch chứng khoán lớn tại Việt Nam.

Sàn UPCOM được thành lập vào năm 2009 nhằm tạo sân chơi minh bạch cho các công ty đại chúng chưa niêm yết chính thức. Khi mới ra đời, sàn chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp tham gia và con số đã tăng lên khoảng 886 mã cổ phiếu (tính đến đầu tháng 3/2025).

Các sản phẩm chính trên sàn UPCOM bao gồm cổ phiếu của các công ty đại chúng chưa đủ điều kiện niêm yết trên HOSE hoặc HNX. Cổ phiếu trên UPCOM đa dạng nhưng có tính thanh khoản thấp hơn các sàn niêm yết chính thức, phù hợp với nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội từ các doanh nghiệp đang trong giai đoạn phát triển.

Chức năng của sàn UPCOM 

san-upcom-1
Sàn UPCOM mở ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn

Chức năng chính của UPCOM là cung cấp một môi trường giao dịch minh bạch và an toàn hơn cho các công ty đại chúng chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên HOSE và HNX, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ thị trường chứng khoán. Đồng thời, sàn yêu cầu các công ty tuân thủ quy định công bố thông tin, từ đó giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.

UPCOM không chỉ là nơi hỗ trợ các công ty trong giai đoạn chuyển đổi trước khi niêm yết chính thức mà còn mở ra cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp tiềm năng. Đây là kênh quan trọng để các công ty cổ phần hóa nâng cao tính thanh khoản, đồng thời tạo thêm lựa chọn cho nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cách thức giao dịch trên sàn UPCOM 

san-chung-khoan-upcom
Nhà đầu tư cần nắm rõ cách thức giao dịch của sàn chứng khoán UPCOM

Thời gian, phiên giao dịch

Sàn UPCOM hoạt động vào các ngày trong tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu, trừ các ngày lễ. Mỗi ngày sẽ có hai phiên giao dịch: 

  • Phiên sáng: Diễn ra từ 9h00 đến 11h30. 
  • Phiên chiều: Diễn ra từ 13h00 đến 15h00. 

Trong suốt thời gian này, các lệnh mua bán sẽ được thực hiện qua hình thức khớp lệnh liên tục và khớp lệnh thỏa thuận. Nhà đầu tư có thể đặt lệnh giao dịch thỏa thuận nhiều lần và trong suốt thời gian hoạt động của sàn.

Lệnh giao dịch

Sàn UPCOM chỉ cho phép áp dụng Lệnh giới hạn (LO). Đây là một loại lệnh cho phép nhà đầu tư tự do đặt giá thầu trong khoảng giá cho phép (giá trần và giá sàn). Lệnh giao dịch lập tức có hiệu lực sau khi được nhập vào hệ thống.

Lệnh giới hạn chỉ bị hủy nếu chưa khớp lệnh, nghĩa là giao dịch chưa thực hiện. Giảm khối lượng không ảnh hưởng đến thứ tự ưu tiên, nhưng tăng khối lượng sẽ làm mất thứ tự ưu tiên cũ và tạo thứ tự mới. 

Khối lượng và biên độ giao dịch

Cổ phiếu được giao dịch theo hai phương thức: khớp lệnh liên tục và thỏa thuận. Cổ phiếu được chia thành 2 loại lô là lô chẵn và lô lẻ.

  • Đối với lô chẵn, mỗi lệnh gồm 100 cổ phiếu hoặc bội số của 100
  • Đối với lô lẻ, mỗi lệnh tối thiểu 1 và tối đa 99 cổ phiếu. Giao dịch lô lẻ bị cấm trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu mới niêm yết hoặc sau khi tạm ngừng giao dịch 25 ngày liên tiếp, cho đến khi có giá tham chiếu từ phương thức khớp lệnh liên tục.

Bước giá quy định là 100 đồng với giao dịch khớp lệnh và 1 đồng với giao dịch thỏa thuận. Giá tham chiếu được tính toán bằng phương pháp bình quân gia quyền dựa trên giá khớp lệnh liên tục của phiên giao dịch trước đó

Về biên độ giao động giá, giá cổ phiếu trên sàn UPCOM mỗi phiên giao dịch không được tăng hoặc giảm quá 15% so với giá tham chiếu. Cổ phiếu mới lên sàn hoặc trở lại giao dịch sau thời gian tạm ngừng 25 ngày sẽ có biên độ giá dao động trong ngày đầu tiên là 40% so với giá tham chiếu, cả tăng và giảm. 

Cách tính giá trần/sàn như sau:

Giá trần (giá tối đa) = Giá tham chiếu + (Giá tham chiếu x Biên độ dao động giá

Giá sàn (giá tối thiểu) = Giá tham chiếu – (Giá tham chiếu x Biên độ dao động giá)

Nếu sau khi điều chỉnh biên độ dao động, giá trần và giá sàn của cổ phiếu vẫn trùng khớp với giá tham chiếu, thì: 

Giá trần điều chỉnh = Giá tham chiếu + một đơn vị yết giá

Giá sàn điều chỉnh = Giá tham chiếu – một đơn vị yết giá

Nguyên tắc khớp lệnh

Khi có lệnh mua và bán, sàn UPCOM áp dụng nguyên tắc khớp lệnh theo hai tiêu chí:

  • Ưu tiên về giá: Lệnh mua với giá cao hơn hoặc lệnh bán với giá thấp hơn sẽ được ưu tiên thực hiện trước. 
  • Ưu tiên về thời gian: Nếu có nhiều lệnh cùng mức giá, lệnh nào được nhập vào hệ thống sớm hơn sẽ được thực hiện trước..

Thời gian thanh toán

Sàn UPCOM sử dụng chế độ thanh toán T+2, tức là giao dịch sẽ được thanh toán và chuyển nhượng vào ngày làm việc thứ hai sau ngày giao dịch. Nhà đầu tư cần đảm bảo đủ tiền hoặc cổ phiếu trong tài khoản giao dịch để hoàn tất thủ tục thanh toán đúng hạn.

Lời khuyên cho nhà đầu tư khi đầu tư cổ phiếu sàn UPCOM 

san-upcom-3
Việc tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi đầu tư trên sàn UPCOM là vô cùng cần thiết

Nghiên cứu kỹ lưỡng về công ty và tính minh bạch thông tin

Các công ty trên sàn UPCOM thường là các doanh nghiệp mới cổ phần hóa hoặc chưa đủ điều kiện niêm yết chính thức, do đó thông tin về tình hình tài chính và hoạt động có thể ít minh bạch hơn so với các công ty niêm yết trên sàn HOSE hoặc HNX.

Nhà đầu tư cần chủ động tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như báo cáo tài chính, các thông báo chính thức từ công ty và các chuyên gia thị trường. Đặc biệt, việc phân tích các yếu tố như tình hình tài chính, lợi nhuận, nợ vay và chiến lược phát triển của công ty là rất quan trọng để đánh giá khả năng sinh lời và rủi ro đầu tư.

Chú ý đến tính thanh khoản và biên độ giá

Sàn UPCOM có tính thanh khoản thấp hơn các sàn niêm yết chính thức, nghĩa là việc mua hoặc bán cổ phiếu có thể gặp khó khăn trong những lúc thị trường ít giao dịch. Điều này có thể dẫn đến việc không khớp lệnh ngay lập tức hoặc phải chấp nhận mức giá không mong muốn. 

Bên cạnh đó, biên độ dao động giá của cổ phiếu trên UPCOM có thể gây ra biến động mạnh trong ngày giao dịch. Nhà đầu tư cần hiểu rõ mức độ thanh khoản của từng cổ phiếu để tránh việc không thể thoát khỏi vị thế khi thị trường biến động, đồng thời phải chuẩn bị tâm lý để đối phó với các biến động giá ngắn hạn.

Đánh giá rủi ro và xác định mục tiêu đầu tư

Đầu tư vào cổ phiếu UPCOM thường có mức độ rủi ro cao hơn do các công ty tham gia có quy mô nhỏ, thiếu ổn định hoặc hoạt động trong các ngành nghề có tính cạnh tranh cao. Vì vậy, nhà đầu tư cần phải xác định rõ mức độ rủi ro mà mình có thể chấp nhận và mục tiêu đầu tư dài hạn hay ngắn hạn. 

Nếu mục tiêu là tăng trưởng dài hạn, nhà đầu tư cần lựa chọn các công ty có triển vọng phát triển bền vững. Nếu mục tiêu là lợi nhuận ngắn hạn, cần phải có chiến lược cụ thể để tận dụng các cơ hội giá tốt, nhưng cũng phải chuẩn bị kế hoạch xử lý các rủi ro liên quan đến biến động thị trường.

Nhìn chung, đầu tư vào cổ phiếu trên sàn UPCOM đòi hỏi sự cẩn trọng và kiến thức vững vàng. Nếu nghiên cứu kỹ lưỡng và biết cách kiểm soát rủi ro, đây có thể là cơ hội tốt để tận dụng tiềm năng từ các công ty đang phát triển.

Đừng quên theo dõi kênh Chungkhoan.com.vn để tiếp tục cập nhật những thông tin bổ ích về đầu tư và tài chính!

Share This Article