Các chỉ số quan trọng trong báo cáo tài chính mà bạn nên biết

Các chỉ số tài chính quan trọng trong báo cáo doanh nghiệp

Phân tích các chỉ số quan trọng trong báo cáo tài chính như tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ thanh khoản, dòng tiền,…. là yếu tố then chốt để đánh giá tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Bài viết này, sẽ chỉ ra cho bạn biết đâu là những chỉ số mà nhà đầu tư cần phải quan tâm.

Tỷ suất lợi nhuận

Tỷ suất lợi nhuận là chỉ số tài chính quan trọng thể hiện phần trăm doanh thu còn lại sau khi đã trừ hết các chi phí, giúp đánh giá hiệu quả hoạt động , khả năng sinh lời và quản lý chi phí của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh.

Tổng quan về tỷ suất lợi nhuận
Tổng quan về tỷ suất lợi nhuận

Biên lợi nhuận gộp (Gross Profit Margin)

Biên lợi nhuận gộp (Gross Profit Margin) là tỷ lệ phần trăm doanh thu còn lại sau khi đã trừ đi các chi phí trực tiếp liên quan đến việc sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm/dịch vụ, bao gồm chủ yếu là giá vốn hàng bán. Biên lợi nhuận gộp là thước đo mức độ hiệu quả của doanh nghiệp trong việc chuyển đổi doanh thu thành lợi nhuận gộp.

Biên lợi nhuận gộp = (Lợi nhuận gộp/Doanh thu thuần) x 100

Ví dụ: Công ty ABC có doanh thu thuần 1.000 tỷ VND, giá vốn hàng bán là 600 tỷ VND. 

Biên lợi nhuận gộp = (1.000 − 600)/1.000 × 100 = 40%

Biên lợi nhuận gộp 40% cho thấy công ty giữ lại được 40% doanh thu sau khi trừ đi chi phí sản xuất.

Biên lợi nhuận ròng (Net Profit Margin)

Biên lợi nhuận ròng (Net Profit Margin) là Biên lợi nhuận ròng thể hiện tỷ lệ lợi nhuận ròng thu được từ mỗi đồng doanh thu. Nói cách khác, đây là phần còn lại của doanh thu sau khi đã trừ đi tất cả các chi phí, bao gồm cả chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, chi phí quản lý và thuế.

 Biên lợi nhuận ròng = (Lợi nhuận ròng/Doanh thu thuần) x 100

Ví dụ: Công ty XYZ có doanh thu 500 tỷ VND và lợi nhuận ròng là 50 tỷ VND. 

Biên lợi nhuận ròng = (50/500) x 100 = 10%

Biên lợi nhuận ròng 10% cho thấy công ty chuyển 10% doanh thu thành lợi nhuận ròng.

Biên lợi nhuận hoạt động (Operating Profit Margin)

Biên lợi nhuận hoạt động cho thấy lợi nhuận doanh nghiệp thu được từ doanh thu sau khi trừ đi chi phí hoạt động, nhưng chưa trừ lãi vay và thuế.. Tỷ lệ này càng cao càng cho thấy doanh nghiệp quản lý chi phí tốt và có khả năng chuyển doanh thu thành lợi nhuận hiệu quả.

Biên lợi nhuận hoạt động = (Lợi nhuận hoạt động/Doanh thu thuần) x 100

Ví dụ: Doanh thu của công ty DEF là 800 tỷ VND và lợi nhuận hoạt động là 120 tỷ VND. 

Biên lợi nhuận hoạt động = (120/800) x 100 = 15%

Công ty DEF giữ lại 15% doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi sau khi trừ chi phí hoạt động.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)

Tổng quan về chỉ số ROE
Tổng quan về chỉ số ROE

ROE (Return on Equity) là một chỉ số tài chính quan trọng, dùng để đo lường hiệu quả sử dụng vốn của chủ sở hữu trong một doanh nghiệp.

ROE = (Lợi nhuận ròng/Vốn chủ sở hữu) x 100

Ví dụ: Công ty GHI có lợi nhuận ròng 150 tỷ VND và vốn chủ sở hữu là 750 tỷ VND. 

ROE = (150/750) × 100 = 20%

ROE 20% cho thấy công ty tạo ra 20 đồng lợi nhuận trên mỗi 100 đồng vốn chủ sở hữu.

Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA)

ROA (Return on Assets) hay tỷ suất lợi nhuận trên tài sản là một chỉ số tài chính quan trọng, dùng để đo lường khả năng sinh lời của một doanh nghiệp trên tổng số tài sản mà doanh nghiệp đang sở hữu. Nói cách khác, ROA được sử dụng để đo lường mức độ hiệu quả khi sử dụng tài sản để sinh lời.

ROA =  (Lợi nhuận ròng/Tổng tài sản) x 100

Ví dụ: Công ty ABC có lợi nhuận ròng 100 tỷ VND và tổng tài sản là 1.000 tỷ VND. 

ROA = (100/1.000) × 100 = 10%

ROA 10% nghĩa là công ty tạo ra 10 đồng lợi nhuận từ mỗi 100 đồng tài sản.

Chỉ số về Thanh khoản và nợ

Chỉ số về thanh khoản và nợ giúp đánh giá khả năng của một công ty trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn và dài hạn, cũng như mức độ phụ thuộc vào vốn vay. Dưới đây là một số chỉ số quan trọng:

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (Debt to Equity Ratio – D/E)

D/E là một chỉ số tài chính quan trọng dùng để đo lường mối quan hệ giữa nguồn vốn vay (nợ) và vốn chủ sở hữu trong một doanh nghiệp. Giúp đánh giá mức độ rủi ro tài chính, khả năng sinh lời, và sức hấp dẫn với nhà đầu tư. Tỷ lệ D/E cao có thể chỉ ra rủi ro tài chính lớn hơn, trong khi tỷ lệ thấp cho thấy sự an toàn và khả năng quản lý nợ hiệu quả.

D/E = Tổng nợ/Vốn chủ sở hữu​

Ví dụ: Tổng nợ của công ty ABC là 500 tỷ VND, và vốn chủ sở hữu là 1.000 tỷ VND.

D/E = (500/1.000) = 0,5

Tỷ lệ D/E = 0,5 nghĩa là tổng nợ của công ty chiếm 50% so với vốn chủ sở hữu.. Đây là mức an toàn, rủi ro tài chính thấp.

Tỷ lệ thanh khoản

Khái quát về tỷ lệ thanh toán
Khái quát về tỷ lệ thanh toán

Tỷ lệ thanh khoản hiện thời (Current Ratio)

Tỷ lệ thanh khoản hiện thời, hay còn gọi là Current Ratio, là một chỉ số tài chính cơ bản dùng để đo lường khả năng của một doanh nghiệp trong việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn bằng tài sản ngắn hạn mà doanh nghiệp đang có. 

Tỷ lệ thanh khoản hiện thời = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn

Ví dụ: Tài sản ngắn hạn của công ty PQR là 600 tỷ VND, nợ ngắn hạn là 300 tỷ VND.

Tỷ lệ thanh khoản hiện thời = 600/300 = 2

Tỷ lệ thanh khoản 2 cho thấy công ty có đủ tài sản để thanh toán nợ ngắn hạn gấp 2 lần.

Tỷ lệ thanh khoản nhanh (Quick Ratio)

Quick Ratio hay tỷ lệ thanh toán nhanh là một chỉ số tài chính được sử dụng để đo lường khả năng của một doanh nghiệp trong việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn bằng các tài sản lưu động có tính thanh khoản cao. 

Tỷ lệ thanh khoản nhanh = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho) / Nợ ngắn hạn

Ví dụ: Tài sản ngắn hạn của công ty STU là 600 tỷ VND, hàng tồn kho là 200 tỷ VND, và nợ ngắn hạn là 300 tỷ VND. 

Tỷ lệ thanh khoản nhanh = (600−200)/300 = 1,33

Tỷ lệ thanh khoản nhanh = 1,33 cho thấy công ty có khả năng thanh toán nhanh các khoản nợ ngắn hạn mà không cần bán hàng tồn kho.

Chỉ số về Định giá và lợi nhuận cho cổ đông

Chỉ số định giá và lợi nhuận cho cổ đông giúp nhà đầu tư đánh giá giá trị của một cổ phiếu và tiềm năng sinh lời của nó. Dưới đây là một số chỉ số quan trọng:

Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (Earnings per Share – EPS)

Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là một chỉ số tài chính quan trọng, dùng để đo lường lợi nhuận thuần mà một công ty tạo ra cho mỗi cổ phiếu đang lưu hành. Nói cách khác, EPS cho biết mỗi cổ phiếu của công ty mang lại bao nhiêu lợi nhuận cho nhà đầu tư.

EPS = (Lợi nhuận ròng − Cổ tức cổ phiếu ưu đãi) / Số lượng cổ phiếu đang lưu hành

Ví dụ: Công ty VWX có lợi nhuận ròng 120 tỷ VND và số cổ phiếu lưu hành là 10 triệu cổ phiếu. 

EPS = (120/10)=12.000 (VND/cổ phiếu)

EPS 12.000 VND cho thấy mỗi cổ phiếu của công ty tạo ra 12.000 VND lợi nhuận.

Tỷ lệ giá trên lợi nhuận (P/E Ratio)

Tỷ lệ giá trên lợi nhuận
Tỷ lệ giá trên lợi nhuận

P/E Ratio (Price-to-Earnings Ratio) hay tỷ lệ giá trên lợi nhuận là một chỉ số tài chính quan trọng được sử dụng để đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường của một cổ phiếu và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS).

P/E = Giá cổ phiếu / EPS

Ví dụ: Giá cổ phiếu của công ty YZ là 240.000 VND, và EPS là 12.000 VND/cổ phiếu. 

P/E = 240.000/12.000 = 20

P/E = 20 cho thấy nhà đầu tư sẵn sàng trả 20 đồng cho mỗi đồng lợi nhuận mà công ty tạo ra.

Tỷ lệ chi trả cổ tức (Dividend Payout Ratio)

Tỷ lệ chi trả cổ tức là một chỉ số tài chính quan trọng, cho biết phần trăm lợi nhuận ròng mà một công ty chia cho các cổ đông dưới dạng cổ tức.

Tỷ lệ chi trả cổ tức = (Cổ tức hàng năm/Lợi nhuận ròng) x 100

Ví dụ: Cổ tức hàng năm của công ty ABC là 30 tỷ VND, và lợi nhuận ròng là 100 tỷ VND.

Tỷ lệ chi trả cổ tức = (30/100) ×100 = 30%

Công ty trả 30% lợi nhuận của mình dưới dạng cổ tức cho cổ đông.

Chỉ số về Tăng trưởng và dòng tiền

Chỉ số về tăng trưởng và dòng tiền cung cấp thông tin quan trọng về khả năng mở rộng hoạt động và tạo ra tiền mặt của một công ty. Chúng rất hữu ích cho việc đánh giá sức khỏe tài chính và tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp.

Dòng tiền tự do (Free Cash Flow)

Dòng tiền tự do của doanh nghiệp
Dòng tiền tự do của doanh nghiệp

Dòng tiền tự do (Free Cash Flow – FCF) là số tiền còn lại của doanh nghiệp sau khi đã chi trả cho mọi chi phí cần thiết để hoạt động sản xuất và kinh doanh diễn ra bình thường.

Dòng tiền tự do = Dòng tiền hoạt động – Chi phí vốn

Ví dụ: Công ty ABC có dòng tiền hoạt động 200 tỷ VND và chi phí vốn là 50 tỷ VND.

Dòng tiền tự do = 200 − 50 = 150 tỷ VND

Công ty ABC có 150 tỷ VND dòng tiền tự do để đầu tư, trả cổ tức, hoặc trả nợ.

Tăng trưởng doanh thu

Tăng trưởng doanh thu là một chỉ số quan trọng thể hiện sự tăng lên của doanh số bán hàng của một doanh nghiệp và sự phát triển trong một khoảng thời gian nhất định.

Tăng trưởng doanh thu = (Doanh thu hiện tại − Doanh thu kỳ trước)/doanh thu kỳ trước x 100

Ví dụ: Doanh thu năm 2024 của công ty ABC là 1.200 tỷ VND, và năm 2023 là 1.000 tỷ VND. 

Tăng trưởng doanh thu = (1.200 − 1.000)/1.000 × 100 = 20%

Doanh thu của công ty tăng trưởng 20% so với năm trước.

Tăng trưởng lợi nhuận

Tăng lợi nhuận ròng của một doanh nghiệp
Tăng lợi nhuận ròng của một doanh nghiệp

Tăng trưởng lợi nhuận là sự gia tăng lợi nhuận ròng của một doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là mục tiêu cuối cùng của mọi hoạt động kinh doanh, bởi vì lợi nhuận là nguồn tài chính để doanh nghiệp tồn tại, phát triển và tạo ra giá trị cho các cổ đông.

Tăng trưởng lợi nhuận = (Lợi nhuận hiện tại − Lợi nhuận kỳ trước)/Lợi nhuận kỳ trước x 100 

Ví dụ: Lợi nhuận năm 2024 của công ty DEF là 150 tỷ VND, năm 2023 là 120 tỷ VND.

 Tăng Trưởng Lợi Nhuận = (150 − 120)/120 ×100 = 25%

Lợi nhuận của công ty tăng trưởng 25% so với năm trước.

Các chỉ số tài chính như tỷ suất lợi nhuận, tỷ lệ thanh khoản, và tăng trưởng doanh thu đều cung cấp những thông tin quan trọng về hiệu suất hoạt động và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Hiểu và sử dụng các chỉ số quan trọng trong báo cáo tài chính này sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn tổng quát và đánh giá đúng đắn hơn về Doanh nghiệp mình định đầu tư.

Share This Article
Leave a Comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *