Đầu tư trái phiếu là một lựa chọn phổ biến và an toàn hơn nhiều kênh chứng khoán khác, phù hợp với nhà đầu tư mong muốn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt, cần biết lựa chọn trái phiếu như thế nào cho phù hợp. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách lựa chọn trái phiếu để tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.
Tại sao nên đầu tư trái phiếu?

Trái phiếu là một loại chứng khoán đại diện cho một khoản vay mà nhà đầu tư thực hiện cho một tổ chức tài chính, doanh nghiệp hoặc chính phủ.
Khi mua trái phiếu, bạn đang cho doanh nghiệp vay tiền và sẽ nhận được lãi suất trong một khoảng thời gian nhất định. Đến ngày đáo hạn, bạn sẽ được hoàn trả lại số tiền gốc đã vay.
Đầu tư trái phiếu mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư. Một số lý do chính để đầu tư và lựa chọn trái phiếu bao gồm:
- Lợi nhuận ổn định: Lãi suất trái phiếu thường được cố định từ trước, mang đến một nguồn thu nhập ổn định cho nhà đầu tư. Lãi suất từ trái phiếu thường cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
- Rủi ro thấp hơn: So với cổ phiếu, trái phiếu thường được coi là một kênh đầu tư an toàn hơn bởi sự biến động của các cổ phiếu thường rất khó đoán, đặc biệt với những nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm.
- Đa dạng hóa danh mục: Trái phiếu giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro tổng thể. Bằng cách kết hợp trái phiếu với các loại tài sản khác như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, bất động sản,… nhà đầu tư có thể tạo ra một danh mục cân bằng, ít biến động hơn.
- Linh hoạt trong chiến lược đầu tư: Trái phiếu cung cấp nhiều lựa chọn về kỳ hạn, từ ngắn hạn đến dài hạn, cho phép nhà đầu tư xây dựng đa dạng chiến lược, phù hợp với mục tiêu tài chính cá nhân
Các loại trái phiếu phổ biến trên thị trường hiện nay
Phân loại trái phiếu theo tổ chức phát hành
Trái phiếu chính phủ
Được phát hành bởi chính phủ nhằm huy động vốn nhàn rỗi từ dân chúng để đáp ứng nhu cầu chi tiêu xã hội.
Đây là loại trái phiếu có mức độ an toàn cao nhất tuy nhiên lại thường có mức lãi suất thấp nhất (khoảng 2-3%/năm) so với các loại trái phiếu khác .
Trái phiếu doanh nghiệp
Được phát hành bởi các công ty, mục đích là để huy động vốn dùng vào hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.
Trái phiếu doanh nghiệp thường có lãi suất hấp dẫn hơn trái phiếu chính phủ (khoảng 5-12%/năm). Tuy nhiên, lãi suất càng cao thì càng đi kèm với nhiều rủi ro tiềm ẩn nên NĐT cần cân nhắc kỹ khi phân tích và lựa chọn doanh nghiệp
Trái phiếu tổ chức tài chính
Được phát hành bởi các ngân hàng, công ty tài chính nhằm tăng thêm vốn hoạt động, mở rộng quy mô của chủ thể phát hành.
Lãi suất của trái phiếu tổ chức tài chính thường ở mức trung bình (khoảng 5-9%), cao hơn trái phiếu chính phủ nhưng thấp hơn trái phiếu doanh nghiệp.
Phân loại trái phiếu theo kỳ hạn và tính chất
Ngoài các loại trái phiếu phổ biến trên, trái phiếu còn có thể phân loại theo một số tiêu chí sau. Những tiêu chí này cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn trái phiếu của nhà đầu tư:
- Theo kỳ hạn: trái phiếu ngắn hạn (kỳ hạn dưới 1 năm), trái phiếu trung hạn (kỳ hạn 1-5 năm), trái phiếu dài hạn (kỳ hạn > 5 năm)
- Tính chất trái phiếu: trái phiếu có quyền mua cổ phiếu, trái phiếu có thể mua lại trước hạn và trái phiếu chuyển đổi.
- Theo hình thức thanh toán lãi: trái phiếu trả lãi định kỳ (lãi trả hàng tháng, quý hoặc năm), trái phiếu trả lãi một lần (lãi trả vào cuối kỳ hạn)
Những yếu tố để lựa chọn trái phiếu

Mục tiêu đầu tư
Xác định rõ mục tiêu đầu tư trước khi lựa chọn trái phiếu để đầu tư là rất quan trọng. Nếu bạn muốn ổn định và bảo toàn vốn, trái phiếu chính phủ có thể là lựa chọn thích hợp.
Nếu tìm kiếm lợi nhuận cao, bạn có thể cân nhắc trái phiếu doanh nghiệp. Việc hiểu rõ mục tiêu giúp bạn lựa chọn loại trái phiếu phù hợp với kỳ vọng tài chính của mình.
Lãi suất
Lãi suất là yếu tố hàng đầu cần xem xét khi đầu tư và lựa chọn trái phiếu phù hợp. Mức lãi suất càng cao thì tiềm năng sinh lời càng lớn, nhưng thường đi kèm với mức độ rủi ro cao hơn.
Nhà đầu tư nên so sánh lãi suất của các loại trái phiếu khác nhau như trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu tổ chức tài chính để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Kỳ hạn trái phiếu
Kỳ hạn của trái phiếu ảnh hưởng trực tiếp đến mức lãi suất và rủi ro đầu tư. Vì vậy, lựa chọn trái phiếu cũng cần phụ thuộc vào kỳ hạn của nó.
Trái phiếu ngắn hạn thường có rủi ro thấp hơn nhưng lãi suất thấp hơn, trong khi trái phiếu trung và dài hạn có lãi suất cao hơn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lãi suất và thanh khoản cao hơn.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên lựa chọn trái phiếu có kỳ hạn phù hợp với mục tiêu đầu tư của mình. Ví dụ bạn dự kiến đầu tư trái phiếu trong 3 năm thì nên lựa chọn các loại trái phiếu có kỳ hạn tương ứng.
Xếp hạng tín nhiệm
Tại Việt Nam, nhà đầu tư nên tham khảo xếp hạng tín nhiệm do các tổ chức như Saigon Ratings, FiinRatings, VIS Rating,S&I Ratings cung cấp, điều này giúp nhà đầu tư có thể đánh giá mức độ tin cậy và rủi ro của tổ chức phát hành. Từ đó có thể đưa ra những quyết định lựa chọn trái phiếu đúng đắn.
Bảng xếp hạng trái phiếu thường đánh giá qua các tiêu chí:
- Năng lực tài chính của tổ chức phát hành
- Uy tín và lịch sử tín dụng
- Môi trường kinh doanh
- Điều kiện của trái phiếu
- Chất lượng quản trị doanh nghiệp
Trái phiếu của tổ chức được xếp hạng tín nhiệm cao hơn thường có rủi ro thấp hơn nhưng cũng đi kèm với lãi suất thấp hơn.
Tính thanh khoản
Tính thanh khoản của trái phiếu thể hiện khả năng dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt khi cần thiết.
Trái phiếu có tính thanh khoản cao giúp nhà đầu tư linh hoạt, đặc biệt trong các trường hợp cần bán trái phiếu trước kỳ hạn. Trái phiếu chính phủ và một số trái phiếu của tổ chức tài chính thường có tính thanh khoản cao hơn so với trái phiếu doanh nghiệp.
Khả năng chịu rủi ro
Mỗi nhà đầu tư có mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau. Nếu bạn là nhà đầu tư không muốn mạo hiểm, nên lựa chọn trái phiếu có tỷ lệ an toàn cao như trái phiếu chính phủ nhưng đi kèm với đó cũng là lợi nhuận thấp.
Đối với những người chấp nhận rủi ro cao hơn để có cơ hội sinh lời cao, trái phiếu doanh nghiệp hoặc trái phiếu của các tổ chức tài chính có thể là lựa chọn tốt hơn.
Lựa chọn trái phiếu như thế nào để hiệu quả và an toàn?

Để lựa chọn trái phiếu vừa an toàn vừa hiệu quả, nhà đầu tư có thể tham khảo các bước sau:
- Xác định mục tiêu đầu tư: Trước khi đầu tư, bạn cần xác định rõ mục tiêu để quyết định lựa chọn trái phiếu như thế nào cho phù hợp.
- Theo dõi thị trường lãi suất: Lãi suất ảnh hưởng lớn đến giá trị trái phiếu. Khi lãi suất tăng, giá trị trái phiếu giảm. Lựa chọn trái phiếu khi thị trường lãi suất thuận lợi sẽ giúp bạn tối ưu hóa hiệu quả đầu tư.
- Xem xét yếu tố rủi ro: Đối với những người muốn tránh rủi ro, trái phiếu chính phủ là lựa chọn an toàn. Đối với những người có khả năng chịu rủi ro cao, trái phiếu doanh nghiệp có thể là lựa chọn tốt.
- Tìm hiểu kỹ về tổ chức phát hành: Lựa chọn trái phiếu của các công ty lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, có xếp hạng tín nhiệm cao hoặc trái phiếu chính phủ là cách để đảm bảo an toàn.
- Đa dạng hóa danh mục: Bạn không nên chỉ đầu tư vào một loại trái phiếu duy nhất. Việc kết hợp các loại trái phiếu sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro.
- Tìm kiếm tư vấn từ chuyên gia: Nếu là những nhà đầu tư mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia để hiểu cách lựa chọn trái phiếu như thế nào cho phù hợp với kinh nghiệm và tài chính của mình.
Một số rủi ro cần lưu ý khi đầu tư trái phiếu
Dù được xem là công cụ đầu tư ít biến động hơn cổ phiếu, nhưng trái phiếu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xuống tiền lựa chọn trái phiếu để đầu tư:
Các rủi ro có thể gặp phải
- Rủi ro vỡ nợ (default risk): Doanh nghiệp phát hành mất khả năng thanh toán gốc và/hoặc lãi đúng hạn. Đây là rủi ro nghiêm trọng nhất đối với nhà đầu tư trái phiếu.
- Rủi ro thanh khoản: Một số trái phiếu, đặc biệt là loại không niêm yết, rất khó bán lại trên thị trường thứ cấp. Nhà đầu tư có thể phải chấp nhận bán lỗ hoặc nắm giữ đến đáo hạn.
- Rủi ro thông tin: Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng không công bố đầy đủ, minh bạch về tình hình tài chính, tài sản đảm bảo hay mục đích sử dụng vốn, khiến nhà đầu tư không đánh giá được rủi ro thực sự.
- Rủi ro chính sách và pháp lý: Khi quy định pháp lý thay đổi, ví dụ siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ, hoặc xử lý các sai phạm của doanh nghiệp phát hành, giá trị trái phiếu có thể biến động mạnh hoặc trở nên không thanh khoản.
Một số vụ việc điển hình về rủi ro khi đầu tư trái phiếu
- Vụ Tân Hoàng Minh (2022–2023): Tập đoàn này đã bị hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị hơn 10.000 tỷ đồng do “cung cấp thông tin sai sự thật”. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ bị mắc kẹt vốn và đối mặt với quá trình hoàn trả kéo dài, chưa rõ thời gian.
- Vụ SCB – Vạn Thịnh Phát (2022–2023): Hàng nghìn nhà đầu tư đã mua trái phiếu do các công ty liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phát hành thông qua ngân hàng SCB. Sau khi vụ án bị khởi tố, trái phiếu không thể thanh toán đúng hạn, gây thiệt hại lớn và ảnh hưởng lòng tin vào thị trường trái phiếu riêng lẻ.
Trên đây chungkhoan.com.vn đã giải đáp cho các nhà đầu tư cách lựa chọn trái phiếu như thế nào để tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro. Hy vọng bài viết đã mang lại cho các nhà đầu tư những thông tin hữu ích.
Đừng quên theo dõi kênh Chungkhoan.com.vn để tiếp tục cập nhật những thông tin bổ ích về đầu tư và tài chính!