Mô hình lá cờ là gì? Hướng dẫn giao dịch chi tiết với mô hình lá cờ

Mô hình lá cờ (Flag Pattern) là một trong những mô hình giá phổ biến trong phân tích kỹ thuật, giúp nhà đầu tư nhận diện các cơ hội giao dịch tiềm năng, đồng thời dự báo xu hướng giá trong ngắn hạn và trung hạn. Vậy mô hình là cờ là gì? Bài viết này sẽ giải thích chi tiết về mô hình lá cờ cũng như cách áp dụng mô hình này trong giao dịch một cách cụ thể nhất.

Mô hình lá cờ là gì?

Hình dạng của mô hình cột cờ với cấu tạo cán cờ và lá cờ.
Hình dạng của mô hình cột cờ với cấu tạo cán cờ và lá cờ.

Mô hình lá cờ là một mô hình giá ngắn hạn trong phân tích kỹ thuật, thể hiện sự tiếp diễn của xu hướng chính sau khi có một đợt điều chỉnh tạm thời. Như tên gọi của nó, mô hình này có hình dạng giống một lá cờ, bao gồm phần “cán cờ” (một đoạn xu hướng dốc lên hoặc xuống rất mạnh) và phần “lá cờ” (một đoạn điều chỉnh tạm thời trong biên độ nhất định).

Mô hình lá cờ là một công cụ mạnh mẽ trong việc xác định xu hướng của giá cổ phiếu sau khoảng thời gian tăng hoặc giảm mạnh. Nhận diện được mô hình này, nhà đầu tư sẽ nắm bắt các cơ hội giao dịch tốt hơn.

Ưu điểm và nhược điểm của mô hình lá cờ

Tương tự như nhiều mẫu hình phân tích kỹ thuật khác, mô hình lá cờ cũng có một số ưu nhược điểm dễ thấy bao gồm:

Ưu điểm:

  • Dễ nhận diện trên biểu đồ.
  • Cung cấp tín hiệu giao dịch đáng tin cậy khi xu hướng tiếp tục.
  • Cho phép nhà đầu tư tận dụng xu hướng chính trong ngắn hạn với mức độ rủi ro thấp.

Nhược điểm:

  • Dễ nhầm lẫn với các mô hình khác khi thị trường không rõ xu hướng.
  • Tín hiệu không chính xác trong các điều kiện thị trường biến động mạnh hoặc không có xu hướng rõ ràng.

Cấu trúc của mô hình lá cờ

Mô hình lá cờ bao gồm hai phần chính:

  • Phần cột cờ (cán cờ): Là một đoạn xu hướng giá tăng hoặc giảm rất mạnh, khiến nến giá nối tiếp nhau tạo thành một đường dốc lên hoặc xuống. Đây được xác định là xu hướng chính của giá.
  • Phần lá cờ: Là đoạn giá điều chỉnh hoặc đi ngang sau khi hình thành cán cờ. Xu hướng của giá lúc này thường sẽ ngược chiều với xu hướng ban đầu. Phần lá cờ thường có hình dạng kênh giá song song hoặc hơi nghiêng, biểu thị giai đoạn thị trường tạm ngừng và tích lũy trước khi tiếp tục xu hướng. 
Ví dụ về mô hình lá cờ trên VN-Index.
Ví dụ về mô hình lá cờ trên VN-Index.

Ý nghĩa của mô hình lá cờ

Mô hình lá cờ là dấu hiệu cho thấy thị trường chỉ đang điều chỉnh tạm thời trước khi tiếp tục theo xu hướng chính. Đây là tín hiệu tích cực, cho phép nhà đầu tư nhận diện cơ hội tham gia xu hướng khi giá thoát khỏi phần lá cờ.

Xác định mức độ mạnh, yếu của xu hướng

Độ dài của cán cờ sẽ cho thấy xu hướng hiện tại mạnh hay yếu. Cán cờ càng dài với khối lượng càng lớn tức là xu hướng hiện tại càng mạnh. Khi cán cờ dài hơn ít nhất 2 lần so với độ dốc của lá cờ thì đồng nghĩa tín hiệu tiếp diễn của xu hướng hiện tại là rất mạnh. Nếu tạm thời có một nhịp tích lũy thì nhà đầu tư cũng có thể tin tưởng đó chỉ là đợt điều chỉnh tạm thời. 

Ngược lại, nếu cán cờ chỉ bằng hoặc ngắn hơn so với độ dốc của lá cờ thì mô hình không thật sự đáng tin. Xu hướng hiện tại có thể sẽ đảo chiều ngay cả khi giá break khỏi lá cờ.

Đánh giá mức độ đáng tin của mô hình qua sự biến động của lá cờ

Thông thường, biên độ giao động của giá khi hình thành lá cờ sẽ cho thấy mức độ đáng tin cậy của mẫu hình này. Giá giao động càng hẹp thì mẫu hình càng đáng tin cậy. Ngược lại, nếu giá biến động quá mạnh, khiến 2 đường hỗ trợ và kháng cự xa nhau nhau thì xu hướng càng khó tiếp diễn. 

Phân loại mô hình lá cờ

2 loại mô hình lá cờ là: Bullish và Bearish
2 loại mô hình lá cờ là: Bullish và Bearish

Có 2 loại mô hình lá cờ mà nhà đầu tư cần lưu ý bao gồm:

  • Mô hình cờ tăng giá (Bullish Flag): Thường xuất hiện trong xu hướng tăng. Phần cán cờ được tạo thành từ một đợt tăng giá mạnh và liên tục. Sau đó, nếu giá điều chỉnh trong biên độ nhất định, phần lá cờ sẽ được hình thành. Khi giá vượt qua (break) khỏi phạm vi của lá cờ, xu hướng tăng sẽ được xác nhận.
  • Mô hình cờ giảm giá (Bearish Flag): Ngược lại với cờ tăng giá, mô hình này thường xuất hiện trong xu hướng giảm. Cán cờ là đợt giảm mạnh, và phần lá cờ là đợt điều chỉnh tăng ngắn hạn. Tuy nhiên, một khi giá giảm dưới vùng kháng cự, tức vượt xuống khỏi phạm vi lá cờ, xu hướng giảm sẽ lại tiếp diễn.

Nhận biết mô hình lá cờ trên biểu đồ

Nhìn chung, đây là một mô hình khá dễ nhìn nhận trên biểu đồ giá. Để xác định mô hình, nhà đầu tư có thể thực hiện các bước sau:

  • Bước 1: Tìm phần cán cờ – Xác định đoạn xu hướng dốc lên hoặc xuống mạnh ngay trước khi xuất hiện lá cờ.
  • Bước 2: Xác định phần lá cờ – Tìm đoạn điều chỉnh hoặc kênh giá song song sau khi có phần cán cờ. Lá cờ thường nghiêng theo hướng ngược với xu hướng chính (nghiêng xuống trong xu hướng tăng và ngược lại). Nhà đầu tư có thể xác định đường hỗ trợ và kháng cự trong trường hợp này bằng cách nối các đỉnh và đáy lại với nhau. 2 đường này kết hợp cùng đường giá (tức phần cán cờ) sẽ tạo thành hình lá cờ hoàn chỉnh.

Chiến lược giao dịch với Mô hình lá cờ

Khi đã xác định được mô hình lá cờ, nhà đầu tư có thể áp dụng các chiến lược giao dịch sau.

Xác định điểm mua/bán

Sau khi giá phá vỡ phần lá cờ, hay còn gọi là breakout (vượt qua đường kháng cự đối với cờ tăng và hỗ trợ đối với cờ giảm), đây là thời điểm vào lệnh lý tưởng. Phá vỡ lá cờ là tín hiệu quan trọng cho thấy xu hướng chính có khả năng tiếp tục.

  • Đặt lệnh Mua: Đối với mô hình cờ tăng, nhà đầu tư có thể thực hiện mua vào khi giá break khỏi đường kháng cự của lá cờ. Đây được xem là một tín hiệu dự báo xu hướng tăng có thể duy trì.
  • Đặt lệnh Bán: Đối với mô hình cờ giảm, nhà đầu tư nên cân nhắc việc bán ra khi giá phá vỡ đường hỗ trợ dưới của lá cờ.

Xác định mức cắt lỗ/chốt lời

3 điểm nhà đầu tư cần lưu ý khi áp dụng mô hình lá cờ vào giao dịch
3 điểm nhà đầu tư cần lưu ý khi áp dụng mô hình lá cờ vào giao dịch

Thông qua mô hình lá cờ, nhà đầu tư có thể ước lượng được mức cắt lỗ/chốt lời tương ứng nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như tối ưu lợi nhuận của mình. Cụ thể như sau:

  • Điểm cắt lỗ: Nếu giá đang trong xu hướng giảm và xuất hiện mô hình lá cờ giảm, nhà đầu tư nên cắt lỗ sau khi giá giảm khoảng 5-7% kể từ khi chạm và phá vỡ đường hỗ trợ phía dưới. Đây là dấu hiệu xu hướng giảm sẽ tiếp diễn nên việc bán sớm là cần thiết.
  • Điểm chốt lời: Điểm chốt lời có thể được tính toán dựa trên độ dài của phần cán cờ. Thông thường, sau khi break khỏi đường kháng cự, giá có thể tăng lên mức ngang bằng với mức tăng của cán cờ. Ví dụ, trước đó giá tăng 30% và hình thành cán cờ thì bạn cũng có thể kỳ vọng lợi nhuận mục tiêu là 30% kể từ thời điểm giá break khỏi phần lá cờ.

Lưu ý khi áp dụng mô hình lá cờ vào giao dịch

Khi áp dụng mô hình lá cờ vào giao dịch, nhà đầu tư cần lưu ý các điểm sau:

  • Xác nhận tín hiệu: Nhà đầu tư nên kết hợp sử dụng các chỉ báo kỹ thuật như RSIMACD để xác nhận tín hiệu trước khi đặt lệnh, tránh rủi ro giao dịch sai.
  • Thời gian điều chỉnh hợp lý: Nếu phần lá cờ kéo dài quá lâu, mô hình có thể mất tính chính xác và xu hướng chính có thể sẽ đảo chiều. Ngoài ra, mô hình chỉ thực sự đáng tin cậy khi xu hướng của lá cờ ngược với xu hướng ban đầu, nếu chỉ đi ngang thì nhà đầu tư cần cân nhắc thêm hoặc kết hợp với các công cụ bổ trợ khác để xác nhận xu hướng tiếp theo
  • Quản trị rủi ro: Bất kỳ mẫu hình nào cũng đều có xác suất sai lệch. Do đó, nhà đầu tư cần chú ý quản trị rủi ro thật kỹ, không nên dồn 100% số vốn vào một lần giao dịch hay 1 mã chứng khoán duy nhất mà nên chia nhỏ vốn để phân tán rủi ro.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về mô hình lá cờ, từ định nghĩa, cấu trúc đến cách áp dụng vào giao dịch. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ và sử dụng mô hình lá cờ hiệu quả trong phân tích kỹ thuật, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư của mình.

Share This Article
Leave a Comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *