Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 16%, điều này ảnh hưởng lớn đến tình hình chung trên thị trường chứng khoán. Một số dự báo của chuyên gia về các kịch bản tích cực khi nới room tín dụng đáng để mong chờ. Vậy room tín dụng là gì mà tác động lớn đến thị trường tài chính như vậy? Là một nhà đầu tư chúng ta cần quan tâm những gì về chủ đề này? Tìm hiểu ngay!
Room tín dụng là gì?
Room tín dụng tiếng anh là credit room. Khái niệm này được hiểu một cách đơn giản là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định giới hạn cho các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính và ngân hàng được cung cấp tín dụng ra nền kinh tế trong một thời gian nhất định. Giới hạn này được thiết lập để đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, kiểm soát lạm phát và định hướng tăng trưởng kinh tế.

Ví dụ:
- Tháng 8/2024, NHNN thông báo điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu được giao đầu năm.
- Tháng 11/2024, NHNN tiếp tục điều chỉnh tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho một số TCTD nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho cả năm
Vai trò của Room tín dụng trong hoạt động của ngân hàng
Như đã nêu ở phần khái niệm, room tín dụng sẽ ảnh hưởng lớn đến hạn mức cho vay của một ngân hàng. Vì vậy, nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động và sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Cụ thể:
1. Kiểm soát rủi ro tín dụng
Việc giới hạn tỷ lệ tín dụng cho các ngân hàng ở mức phù hợp không quá cao sẽ giúp tránh tình trạng “bong bóng tín dụng”. Đây là một trong những nguyên nhân có thể gây nên nguy cơ nợ xấu và mất khả năng thanh toán trong hệ thống ngân hàng.
Việc đặt giới hạn room tín dụng sẽ đảm bảo hoạt động cho vay được thực hiện một cách an toàn, hợp lý và có kiểm soát. Hạn chế những tác động xấu và rủi ro có thể xảy ra đối với hoạt động chung của các ngân hàng cũng như tổng thể nền kinh tế.
2. Đảm bảo ổn định hệ thống tài chính và thanh khoản

Khi tín dụng được duy trì trong một giới hạn hợp lý, hệ thống ngân hàng sẽ tránh được tình trạng khô hạn thanh khoản. Điều này góp phần giữ vững sự ổn định tài chính quốc gia, tránh các cuộc khủng hoảng tài chính do mất cân đối giữa huy động và cho vay.
3. Hỗ trợ phát triển tín dụng bền vững
Room tín dụng giúp định hướng dòng vốn vào các lĩnh vực quan trọng, chủ lực của một quốc gia để hướng đến sự phát triển bền vững cho ngành tín dụng. Chẳng hạn như ngành sản xuất, công nghệ cao, nông nghiệp,… thay vì để tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao.
4. Cân đối cung/cầu của tiền tệ, kiểm soát lạm phát
Việc quản lý quy mô tín dụng của các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính – tín dụng,… sẽ giúp NHNN có thể kiểm soát và cân đối nguồn cung và cầu tiền tệ trên thị trường. Đây là một trong những công cụ đắc lực giúp hỗ trợ kiểm soát lạm phát cho quốc gia.
Đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng
Cuối cùng, việc quy định các chính sách về room tín dụng sẽ góp phần đảm bảo rằng dòng vốn được cung cấp cho doanh nghiệp và cá nhân khi có nhu cầu chính đáng. Ngân hàng sẽ phân bố room hợp lý, giúp doanh nghiệp vẫn có thể duy trì sản xuất và phát triển. Đồng thời cũng đảm bảo an toàn cho cả ngân hàng lẫn khách hàng.
Cách tính room tín dụng là gì?

Room tín dụng được tính dựa trên tổng dư nợ tín dụng hiện tại của ngân hàng và mức tăng trưởng tín dụng do NHNN quy định. Công thức tính cụ thể như sau:
Room tín dụng = Dư nợ tín dụng hiện tại X (1 + Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng)
Trong đó:
- Dư nợ tín dụng hiện tại: Tổng số tiền ngân hàng đã cho vay tại thời điểm hiện tại.
- Tăng trưởng tín dụng: Mức tăng trưởng tín dụng do NHNN quy định (theo từng năm hoặc từng thời kỳ).
Ví dụ: Nếu một ngân hàng có tổng dư nợ tín dụng là 100.000 tỷ đồng và NHNN quy định mức tăng trưởng tín dụng là 15%, thì room tín dụng của ngân hàng này sẽ là:
Room tín dụng = 100.000 X (1 + 0.15) = 115.000
Như vậy, ngân hàng có thể cho vay thêm 15.000 tỷ đồng.
Tác động của room tín dụng đến nền kinh tế

Room tín dụng không chỉ tác động đến hoạt động của các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính,… mà còn có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế qua nhiều khía cạnh.
- Ảnh hưởng đến ngân hàng: Khi room tín dụng bị giới hạn, ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc mở rộng hoạt động cho vay, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ngược lại, khi được nới lỏng, ngân hàng có thể mở rộng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.
- Ảnh hưởng đến doanh nghiệp kinh doanh: Khi ngân hàng cạn room tín dụng, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngược lại, nếu được mở rộng, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn, giúp mở rộng hoạt động kinh doanh.
- Ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán: Khi room tín dụng sẽ tác động đến dòng tiền vào thị trường chứng khoán ít hay nhiều. Điều này sẽ tác động đến thanh khoản và khiến giá cổ phiếu giảm hoặc tăng theo chính sách.
- Ảnh hưởng đến lạm phát: Room tín dụng cũng là yếu tố phản ánh lượng tiền có trong nền kinh tế. Nếu lượng tiền tăng mạnh có thể dẫn đến lạm phát tăng cao và ngược lại nếu được kiểm soát sẽ giúp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Hết room tín dụng, cạn room tín dụng và nới room tín dụng là gì?
Hết room tín dụng là gì?
Hết room tín dụng hiểu đơn giản là việc cạn lượng tín dụng cho vay. Nó xảy ra khi ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng được cấp bởi NHNN. Khi đó, ngân hàng không thể tiếp tục cấp thêm các khoản vay mới, gây ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu vay vốn.
Ví dụ: Trong nửa đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì hạn mức tín dụng chặt chẽ nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, từ quý II/2022 nhiều ngân hàng đồng loạt thông báo cạn room tín dụng như Techcombank, MB, Vietcombank, VPBank,…
Nới room tín dụng là gì?

Nới room tín dụng là việc NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng, giúp ngân hàng có thể tiếp tục cung cấp vốn vay ra thị trường. Việc nới room thường được thực hiện khi NHNN nhận thấy nhu cầu vốn tăng cao, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được các yếu tố rủi ro trong nền kinh tế như lạm phát, thanh khoản,…
Ví dụ: Sự kiện “hết room tín dụng” từ quý II/2022 của nhiều ngân hàng thì sau khi cân nhắc tình hình kinh tế, tháng 9/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định nới thêm 2% room tín dụng.
Mối liên hệ giữa room tín dụng với thị trường chứng khoán
1. Room tín dụng mở rộng – Chứng khoán hưởng lợi
Khi NHNN nới room tín dụng, ngân hàng có thêm dư địa cho vay, tạo điều kiện cho:
- Dòng tiền dồi dào hơn: Doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn, đầu tư mở rộng sản xuất, giúp kết quả kinh doanh cải thiện. Nhờ vậy giá cổ phiếu có xu hướng tăng.
- Nhà đầu tư vay margin dễ hơn: Room tín dụng rộng mở giúp ngân hàng cấp thêm hạn mức margin (đòn bẩy tài chính) cho nhà đầu tư. Do đó, thị trường chứng khoán cũng sôi động hơn.
- Ngành ngân hàng hưởng lợi trước tiên: Khi room được nâng, cổ phiếu ngân hàng thường tăng mạnh nhờ kỳ vọng doanh thu lãi vay tăng lên.
Ví dụ: Tháng 9/2022, NHNN nới room tín dụng 2%, các cổ phiếu ngân hàng như VCB, TCB, MBB đều tăng nhờ kỳ vọng lợi nhuận cao hơn.
2. Room tín dụng bị siết – Thị trường chứng khoán gặp khó
Khi NHNN hạn chế room tín dụng, thị trường chứng khoán thường chịu tác động tiêu cực:
- Dòng tiền bị siết chặt: Doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc vay vốn mở rộng kinh doanh, ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá cổ phiếu.
- Chứng khoán, bất động sản dễ bị bán tháo: Nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính (margin) bị hạn chế, nhiều cổ phiếu giảm mạnh do áp lực bán tháo khi không thể gia hạn khoản vay.
- Ngành ngân hàng bị tác động: Khi tín dụng bị kiểm soát chặt chẽ, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ chậm lại, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Ví dụ: Quý II/2022, nhiều ngân hàng cạn room tín dụng, khiến thị trường chứng khoán suy giảm do lo ngại dòng tiền bị siết.
3. Nhà đầu tư cần lưu ý gì?
- Cập nhật liên tục chính sách tín dụng từ NHNN: Room tín dụng thường được công bố vào đầu năm và có thể được điều chỉnh giữa năm. Vì vậy, nhà đầu tư cần cập nhật kịp thời để nắm bắt được tình hình và xu hướng thị trường biến đổi như thế nào. Từ đó có những quyết định đầu tư phù hợp, tránh bị tác động bởi những rủi ro do siết hay cạn room tín dụng.
- Chọn ngành nghề hưởng lợi từ tín dụng: Ngân hàng, bất động sản, chứng khoán,… thường là những ngành phản ứng mạnh khi có thông tin nới hoặc siết room tín dụng. Vì vậy, việc đầu tư theo nhóm ngành, cổ phiếu hưởng lợi sẽ giúp nhà đầu tư tối ưu hóa lợi nhuận.
- Quản lý rủi ro margin: Khi tín dụng bị siết, nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cao dễ bị call margin. Vì vậy, nhà đầu tư nên cân nhắc hạn chế dùng vốn vay khi thị trường biến động mạnh để tránh các tính trạng thua lỗ vỡ nợ, cháy tài khoản,…
>>> 10 loại cổ phiếu nhà đầu tư không nên bỏ lỡ khi tham gia thị trường!
>>> Hướng dẫn mua cổ phiếu với 4 bước cực đơn giản
Nhìn chung, room tín dụng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến dòng tiền và xu hướng của thị trường chứng khoán. Khuyến nghị nhà đầu tư cần hiểu rõ tác động để đưa ra quyết định phù hợp.
Đừng quên theo dõi kênh Chungkhoan.com.vn để tiếp tục cập nhật những thông tin bổ ích về đầu tư và tài chính!