4 sai lầm khi đầu tư chứng khoán và cách khắc phục để tránh “đốt tiền” oan

Những sai lầm thường gặp khi đầu tư chứng khoán

Đã bao lần các nhà đầu tư “mua đỉnh, bán đáy” chỉ vì tin vào cảm xúc hay lời đồn? Trong hành trình chinh phục thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư thường rơi vào những chiếc bẫy tưởng chừng vô hại nhưng lại để lại hậu quả nặng nề. Đừng bỏ lỡ bài viết này để nhận biết sớm các “cạm bẫy” – sai lầm khi đầu tư chứng khoán và trang bị chiến lược phòng tránh bài bản, giúp nhà đầu tư bảo toàn vốn và tối ưu lợi nhuận trên thị trường chứng khoán đầy biến động.

Các loại sai lầm khi đầu tư chứng khoán phổ biến hiện nay

sai-lam-khi-dau-tu
Các loại sai lầm khi đầu tư chứng khoán phổ biến hiện nay

Sai lầm về thông tin

Trong thế giới đầu tư, thông tin là tài sản quý giá nhưng cũng có thể là con dao hai lưỡi nếu không được thẩm định kỹ lưỡng. Rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những người mới, dễ bị cuốn theo các luồng tin từ mạng xã hội, diễn đàn, hay thậm chí là tin đồn nội bộ chưa được kiểm chứng. Sự hấp tấp trong việc “đón đầu sóng” hoặc mua vào theo hiệu ứng đám đông mà không có phân tích kỹ thuật hay định giá hợp lý là nguyên nhân chính khiến danh mục đầu tư nhanh chóng đi lệch quỹ đạo.

Không phải thông tin nào xuất hiện sớm cũng là cơ hội. Nhà đầu tư cần xây dựng cho mình hệ thống lọc thông tin vững chắc, ưu tiên các nguồn chính thống như báo cáo tài chính kiểm toán, phân tích từ các công ty chứng khoán uy tín, và dữ liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Việc đối chiếu thông tin từ nhiều kênh, kết hợp giữa tin tức và chỉ số tài chính, sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định tỉnh táo và có căn cứ. 

Sai lầm về tâm lý

Trong hành trình đầu tư, sai lầm về tâm lý là một “kẻ thù vô hình” nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái hưng phấn quá mức khi cổ phiếu tăng giá hoặc hoảng loạn bán tháo khi thị trường điều chỉnh, dẫn đến việc mua đỉnh – bán đáy liên tục. 

Thực tế, ngày 31 tháng 3 năm 2025, DALBAR đã công bố báo cáo “Phân tích định lượng về hành vi của nhà đầu tư (QAIB)” và tiết lộ rằng Nhà đầu tư cổ phiếu trung bình chỉ kiếm được 16,54% vào năm 2024, so với mức lợi nhuận 25,05% của S&P 500. Nguyên nhân chủ yếu đến từ hành vi của nhà đầu tư, 1 trong đó có sự tác động của yếu tố tâm lý. Điều này cho thấy, dù chiến lược đầu tư có hợp lý đến đâu, nếu tâm lý không vững vàng, lợi nhuận vẫn dễ dàng bị “thổi bay”.

Sai lầm về chiến lược đầu tư

Nhiều nhà đầu tư bước vào thị trường chứng khoán với tâm lý “thử vận may”, thiếu một kế hoạch đầu tư cụ thể. Họ dễ bị cuốn theo những biến động ngắn hạn, dẫn đến các quyết định mua bán cảm tính và thiếu nhất quán. Việc không xác định rõ mục tiêu đầu tư, mức độ rủi ro chấp nhận được và chiến lược giao dịch cụ thể khiến nhà đầu tư dễ dàng rơi vào bẫy tâm lý và thua lỗ. Hay thiếu kế hoạch đầu tư cụ thể cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến rủi ro trong đầu tư chứng khoán.

Một sai lầm khi đầu tư phổ biến khác trong chiến lược đầu tư chính là không đa dạng hóa danh mục đầu tư. Nhà đầu tư tập trung quá nhiều vào một loại tài sản hoặc một ngành nghề cụ thể mà họ tự cho là tiềm năng, khiến danh mục dễ bị ảnh hưởng nặng nề khi thị trường biến động. 

Nguyên tắc “không nên để tất cả trứng vào cùng một rổ”, cân nhắc phân bổ vốn vào nhiều loại sản phẩm tài chính khác nhau, bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, tiền mặt,…giúp giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng sinh lời của danh mục đầu tư.

Sai lầm trong quản lý tài chính

Một trong những sai lầm khi đầu tư nghiêm trọng mà nhiều người mắc phải là dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm vào một mã cổ phiếu duy nhất. Hành động này tương đương với việc “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, khiến danh mục đầu tư trở nên cực kỳ rủi ro. Khi cổ phiếu đó giảm giá, nhà đầu tư không có bất kỳ khoản dự phòng nào để bù đắp, dẫn đến việc tài sản bị bào mòn nhanh chóng.

Bên cạnh đó, không thiết lập các mức giới hạn lỗ (stop-loss) và chốt lời (take-profit) cụ thể cũng là một sai lầm khi đầu tư phổ biến khác. Việc không có kế hoạch quản lý rủi ro rõ ràng khiến nhà đầu tư dễ bị cuốn theo biến động thị trường và đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc.

Việc sử dụng đòn bẩy tài chính, như vay margin để đầu tư, có thể gia tăng lợi nhuận nhưng cũng đồng thời làm tăng rủi ro. Trong thị trường biến động, nếu cổ phiếu giảm giá, nhà đầu tư không chỉ mất vốn tự có mà còn phải gánh thêm khoản nợ vay, dẫn đến áp lực tài chính nặng nề. 

Cách nhận diện và sửa chữa sai lầm khi đầu tư chứng khoán

sai-lam-khi-dau-tu-2
Cách nhận diện và sửa chữa sai lầm khi đầu tư chứng khoán

Phân tích lại quyết định đầu tư

Mỗi lệnh giao dịch trên thị trường đều chứa đựng một chuỗi logic và tâm lý đằng sau. Để nhận diện sai lầm, nhà đầu tư cần thường xuyên rà soát lại quá trình ra quyết định, từ khâu lựa chọn mã cổ phiếu, thời điểm mua vào đến cách thức thoát lệnh. Việc áp dụng kết hợp giữa phân tích cơ bản (như P/E, EPS, ROE…) và phân tích kỹ thuật (mô hình nến, đường MA, RSI…) không chỉ giúp đánh giá chất lượng cổ phiếu mà còn soi lại mức độ chính xác trong quyết định giao dịch trước đó.

Kiểm soát tâm lý đầu tư

Trong đầu tư, tâm lý thường ảnh hưởng lớn hơn cả kỹ năng. Khi thị trường điều chỉnh mạnh, trạng thái sợ hãi dễ dẫn đến hành động bán tháo; ngược lại, trong giai đoạn hưng phấn, lòng tham khiến nhiều người “đu đỉnh” mà không kịp nhận ra. 

Để kiểm soát cảm xúc, nhà đầu tư cần xây dựng một kế hoạch giao dịch rõ ràng về điểm mua, điểm bán, tỷ lệ chốt lời và cắt lỗ ngay từ đầu. Việc tuân thủ kế hoạch này như một nguyên tắc bất di bất dịch sẽ giúp loại bỏ yếu tố cảm xúc trong quyết định và tăng tính nhất quán trong dài hạn.

Xây dựng chiến lược đầu tư vững chắc

Không có chiến lược đầu tư nào là “chân lý” tuyệt đối nhưng một chiến lược vững chắc và hạn chế những sai lầm khi đầu tư luôn bắt đầu bằng việc xác định rõ mục tiêu tài chính. Đầu tư vì tích lũy dài hạn, vì thu nhập thụ động, hay vì lướt sóng ngắn hạn? Mỗi mục tiêu sẽ tương ứng với phương pháp lựa chọn cổ phiếu, thời điểm nắm giữ và mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau.

Những bài học từ những sai lầm khi đầu tư chứng khoán

sai-lam-khi-dau-tu-4
Những bài học từ những sai lầm khi đầu tư chứng khoán

Các câu chuyện thành công từ việc khắc phục sai lầm

Không ít nhà đầu tư huyền thoại từng nếm trải “thất bại cay đắng” trước khi đạt đến đỉnh cao. Câu chuyện của Ray Dalio, người sáng lập Bridgewater Associates – một trong những quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới là 1 ví dụ điển hình. Năm 1982, ông công khai dự đoán một cuộc suy thoái tồi tệ sẽ xảy ra, nhưng thực tế lại đi ngược lại. 

Dự đoán sai khiến công ty gần như phá sản, buộc ông phải vay tiền từ bố để trả lương nhân viên. Thất bại đó đã khiến Dalio thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận: từ việc khăng khăng tin vào trực giác cá nhân sang xây dựng hệ thống phân tích dựa trên dữ liệu và xác suất. Nhờ đó, Bridgewater sau này trở thành một tượng đài trong giới đầu tư.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến Warren Buffett – biểu tượng của đầu tư giá trị, người từng thừa nhận một trong những sai lầm khi đầu tư lớn nhất của ông là mua lại Berkshire Hathaway, khi đó là một công ty dệt đang suy tàn.

Quyết định này phần nào xuất phát từ cảm xúc, sau khi ban lãnh đạo Berkshire không giữ lời trong thỏa thuận mua lại cổ phiếu. Thay vì bán ra, Buffett quyết định mua thêm cổ phần để giành quyền kiểm soát công ty – một hành động mà sau này ông gọi là “hành động ngu xuẩn đầu tiên trong cuộc đời đầu tư.”

Sau bài học đó, Buffett dần chuyển từ phong cách đầu tư giá rẻ (deep value) sang tập trung vào các doanh nghiệp có chất lượng và lợi thế cạnh tranh dài hạn, nhờ ảnh hưởng từ Charlie Munger. Chính sự thay đổi này đã giúp ông xây dựng nên đế chế Berkshire Hathaway như ngày nay – không phải với tư cách một công ty dệt, mà là một tập đoàn đầu tư đa ngành hàng đầu thế giới.

Những câu chuyện trên cho thấy việc mắc sai lầm khi đầu tư là điều không thể tránh khỏi, nhưng cách đối mặt và điều chỉnh mới là yếu tố quyết định thành công. Mỗi thất bại đều mang theo một cơ hội tái định hình tư duy và nâng cấp chiến lược đầu tư.

Sai lầm của các nhà đầu tư chuyên nghiệp

Không chỉ nhà đầu tư mới bắt đầu mới vấp ngã, ngay cả những người kỳ cựu trong ngành cũng từng rơi vào bẫy thị trường. Một trong những bài học đắt giá là từ Long-Term Capital Management (LTCM) – 1 quỹ đầu cơ được điều hành bởi các nhà kinh tế đoạt giải Nobel. 

Tự tin vào mô hình định lượng tinh vi của mình, họ sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức để theo đuổi chiến lược chênh lệch lợi suất. Khi khủng hoảng tài chính Nga năm 1998 nổ ra, toàn bộ mô hình sụp đổ vì những biến động phi lý không nằm trong tính toán. Hậu quả là LTCM suýt gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu và buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải đứng ra dàn xếp.

Một ví dụ khác đến từ Bill Ackman, nhà quản lý quỹ nổi tiếng với phong cách đầu tư quyết liệt. Năm 2012, Ackman công bố vị thế bán khống cổ phiếu Herbalife, khẳng định đây là mô hình Ponzi và cổ phiếu sẽ về 0. Tuy nhiên, chiến dịch kéo dài nhiều năm này đã không mang lại kết quả như dự kiến. Trong khi Herbalife vẫn tồn tại, quỹ của Ackman chịu lỗ hàng trăm triệu đô. Sai lầm của ông đến từ việc đầu tư dựa trên niềm tin cá nhân và công khai quan điểm quá mạnh, thay vì để thị trường tự phản ánh thông tin.

Sự tự tin thái quá, ngay cả khi đi kèm với thành tích xuất sắc trong quá khứ, vẫn có thể khiến nhà đầu tư đánh giá sai rủi ro. Điều quan trọng không chỉ là khả năng phân tích thị trường, mà còn là sự khiêm tốn và tính linh hoạt trong quản trị danh mục. Đầu tư không phải là một ván cược thắng-thua, mà là quá trình liên tục học hỏi, điều chỉnh và thích nghi.

Tóm lại, sai lầm khi đầu tư chứng khoán là điều không thể tránh khỏi, kể cả với những nhà đầu tư kỳ cựu. Tuy nhiên, chính khả năng nhận diện vấn đề, học hỏi từ thất bại và điều chỉnh chiến lược một cách linh hoạt mới là yếu tố quyết định thành công bền vững. 

Một tư duy tỉnh táo, biết kiểm soát cảm xúc và sẵn sàng thích nghi với thị trường luôn biến động sẽ giúp nhà đầu tư không chỉ trụ vững mà còn vươn lên mạnh mẽ. Hành trình đầu tư luôn là quá trình học hỏi không ngừng, càng kiên trì và sáng suốt, càng dễ tìm thấy con đường phù hợp. 

Đừng quên theo dõi kênh Chungkhoan.com.vn để tiếp tục cập nhật những thông tin bổ ích về đầu tư và tài chính!

Share This Article