Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang một lần nữa làm dậy sóng thị trường toàn cầu khi Washington bất ngờ áp mức thuế đối ứng “sốc” lên tới 245% đối với loạt hàng hóa chiến lược từ Bắc Kinh. Động thái này không chỉ thổi bùng nguy cơ một cuộc chiến thương mại kéo dài, mà còn khiến khái niệm “thuế đối ứng” trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư và doanh nghiệp toàn cầu.
Vậy thuế đối ứng thực chất là gì, được áp dụng như thế nào và ảnh hưởng ra sao đến người tiêu dùng, nền kinh tế và thương mại quốc tế? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ công cụ thuế quan này – từ nguyên tắc vận hành đến những hệ quả sâu rộng mà nó mang lại.
1. Thuế đối ứng là gì?
1.1. Khái niệm thuế đối ứng

Thuế đối ứng (Countervailing Duty – CVD) là loại thuế được áp dụng nhằm bù đắp lợi thế cạnh tranh không công bằng do hàng hóa nhập khẩu nhận trợ cấp từ chính phủ nước xuất khẩu. Đây là công cụ quan trọng giúp quốc gia nhập khẩu cân bằng sân chơi thương mại, khác biệt với thuế nhập khẩu thông thường vốn áp dụng chung cho mọi hàng hóa.
Theo Hiệp định về Trợ cấp và Biện pháp đối kháng (SCM Agreement) của WTO, thuế đối ứng chỉ áp dụng sau khi chứng minh được sự tồn tại của trợ cấp và thiệt hại thực tế đối với ngành nội địa.
1.2. Mục đích và vai trò trong thương mại quốc tế
Thuế đối ứng chủ yếu nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh thiếu công bằng. Ngoài ra, nó còn là công cụ trả đũa các hành vi trợ cấp, đồng thời được sử dụng như một biện pháp đàm phán trong các cuộc chiến thương mại, giúp quốc gia bị thiệt hại giành lại lợi ích chính đáng trong trao đổi thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó còn hỗ trợ hoạch định chính sách thương mại của các quốc gia trên thế giới trong cùng một sân chơi chung là nền kinh tế toàn cầu. Bởi vì dữ liệu cán cân thương mại là căn cứ để xây dựng chiến lược xuất nhập khẩu, đàm phán thương mại và điều chỉnh thuế quan,….
1.3. Cơ sở pháp lý và quy định quốc tế liên quan
Thuế đối ứng được quy định cụ thể tại Hiệp định SCM (WTO), GATT 1994 và được nhiều quốc gia nội luật hóa. Tại Việt Nam, các quy định về thuế đối ứng được nêu rõ trong Luật thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, Luật Quản lý Ngoại thương năm 2017 và Nghị định 10/2018/NĐ-CP.
2. Nguyên tắc áp dụng thuế đối ứng
2.1. Khi nào được áp dụng?
Theo Điều 70 Luật Quản lý Ngoại thương 2017, thuế đối ứng chỉ được áp dụng khi xác định rõ có hành vi trợ cấp của chính phủ nước ngoài ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất nội địa. Việc này phải dựa trên kết quả điều tra khách quan của cơ quan có thẩm quyền.
2.2. Quy trình áp dụng thuế đối ứng

Quy trình gồm nhiều bước đảm bảo tính minh bạch và có quyền phản biện của các bên liên quan:
- Nộp hồ sơ yêu cầu điều tra
- Cơ quan chức năng thẩm định hồ sơ
- Khởi xướng điều tra dựa trên yêu cầu của ngành sản xuất trong nước
- Tiến hành điều tra sơ bộ và chính thức
- Thông báo kết luận điều tra
- Ban hành quyết định áp thuế.
2.3. Các tổ chức quản lý và phê duyệt:
Ở cấp quốc gia, Bộ Công Thương (qua Cục Phòng vệ thương mại) chịu trách nhiệm điều tra và ban hành quyết định áp thuế đối ứng. Ở cấp quốc tế, WTO giám sát việc tuân thủ các quy định về biện pháp đối kháng.
3. Ví dụ thực tế về thuế đối ứng
3.1. Liên minh châu Âu áp thuế đối ứng
Vào tháng 6/2018, Liên minh châu Âu áp thuế đối ứng đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Mỹ sau chính sách thuế của chính quyền Trump. Các biện pháp này không chỉ làm gia tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp châu Âu mà còn làm giảm kim ngạch thương mại hai chiều, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế khu vực.
3.2. Trường hợp tại Việt Nam
Việt Nam đã áp thuế đối ứng với đường mía Thái Lan theo Quyết định số 1578/QĐ-BCT năm 2021. Dù biện pháp này giúp ngành mía đường trong nước phục hồi, nhưng cũng dẫn đến giá đường nội địa tăng cao, gây ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, đồng thời làm tăng áp lực giá cho người tiêu dùng cuối cùng.
3.3. Chiến tranh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc
Vào tháng 5/2025, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm mới khi chính quyền Mỹ quyết định áp mức thuế đối ứng lên tới 245% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược như thép, nhôm và xe điện. Trước đó, Mỹ đã áp thuế quan lên tới 100% với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Cộng thêm thuế quan mới 145% của chính quyền Trump, những hàng hóa Trung Quốc đó nhập khẩu vào Mỹ chịu thuế quan 245%.
Động thái này được Bộ Thương mại Hoa Kỳ lý giải là nhằm đối phó với việc Trung Quốc tiếp tục trợ cấp mạnh mẽ cho doanh nghiệp nội địa, gây ra sự méo mó nghiêm trọng cho thị trường toàn cầu, vi phạm các nguyên tắc cạnh tranh công bằng theo Hiệp định về Trợ cấp và Các biện pháp đối kháng (SCM Agreement) của WTO.
Quyết định này không chỉ làm gia tăng chi phí nhập khẩu vào Mỹ mà còn dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với những tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế quốc tế.
Phía Trung Quốc đã nhanh chóng phản đối và đe dọa sẽ có các biện pháp trả đũa tương xứng, làm tình hình thương mại quốc tế thêm phần bất ổn và tạo ra tâm lý thận trọng trên các thị trường tài chính toàn cầu.

4. Ảnh hưởng và tranh luận xung quanh thuế đối ứng
4.1. Tác động tích cực
Việc áp dụng thuế đối ứng giúp bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước sự cạnh tranh không công bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa duy trì hoạt động, đầu tư và phát triển dài hạn. Các ngành vốn bị ảnh hưởng bởi hàng hóa nhập khẩu trợ cấp như nông nghiệp, thép, dệt may có thể phục hồi sản xuất, tạo thêm việc làm và đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.
4.2. Tác động tiêu cực
Tuy nhiên, thuế đối ứng cũng kéo theo nhiều hệ quả tiêu cực:
- Thứ nhất, chi phí nhập khẩu tăng cao làm giá thành hàng hóa tiêu dùng nội địa leo thang, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
- Thứ hai, các biện pháp thuế đối ứng dễ dẫn đến nguy cơ trả đũa thương mại từ các nước đối tác, kéo theo chiến tranh thương mại leo thang, gây thiệt hại cho toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu. Ví dụ, trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, cả hai bên đều thiệt hại nặng nề về kim ngạch xuất nhập khẩu và GDP
- Ngoài ra, việc áp dụng thuế đối ứng quá mức hoặc không đúng quy trình có thể vi phạm cam kết thương mại quốc tế, làm giảm uy tín của quốc gia trước các tổ chức như WTO và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư nước ngoài.

4.3. Các ý kiến phản biện
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, việc lạm dụng thuế đối ứng có thể gây tổn hại đến chính nền kinh tế nội địa thay vì bảo vệ nó.
Theo Báo cáo Thương mại Thế giới 2022 của WTO, các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế đối ứng đang có xu hướng gia tăng, khiến hệ thống thương mại đa phương trở nên mong manh hơn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng việc áp thuế đối ứng đôi khi chỉ mang tính chất tạm thời, không thể thay thế cho việc cải thiện năng lực cạnh tranh thực sự của ngành sản xuất trong nước.
Do đó, các chính sách thuế đối ứng cần được thực hiện một cách thận trọng, minh bạch và đi kèm với các biện pháp hỗ trợ dài hạn cho ngành nội địa.

5. Chính sách thuế đối ứng tại Việt Nam
5.1. Cơ quan chịu trách nhiệm
Bộ Công Thương, thông qua Cục Phòng vệ thương mại, là cơ quan chủ trì điều tra và ban hành quyết định áp dụng thuế đối ứng tại Việt Nam.
5.2. Các vụ việc đã áp dụng
Bên cạnh việc từng áp dụng biện pháp đối ứng với sản phẩm như đường mía Thái Lan, thép cán nguội nhập khẩu từ Hàn Quốc và Trung Quốc, hay phân bón từ Nga, Việt Nam cũng từng trở thành đối tượng của các biện pháp thuế đối ứng, điển hình như việc chính quyền Tổng thống Trump áp thuế đối với thép và nhôm Việt Nam vào năm 2019 với lý do liên quan đến gian lận xuất xứ và trợ cấp không công bằng.
5.3. Thách thức và cơ hội
Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam cần thận trọng trong việc sử dụng công cụ thuế đối ứng để tránh gây tranh chấp thương mại, đồng thời bảo vệ lợi ích hợp pháp của ngành sản xuất trong nước.
6. Kết luận
Thuế đối ứng là biện pháp bảo vệ thương mại quan trọng giúp cân bằng lợi ích kinh tế trong môi trường toàn cầu hóa. Tuy nhiên, việc sử dụng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp lý quốc tế để vừa bảo vệ ngành sản xuất trong nước, vừa duy trì uy tín thương mại trên trường quốc tế.
Đừng quên theo dõi kênh Chungkhoan.com.vn để tiếp tục cập nhật những thông tin bổ ích về đầu tư và tài chính!