Trái phiếu doanh nghiệp là gì? Phân loại trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán nợ

Trái phiếu doanh nghiệp là một trong những sản phẩm chứng khoán thu hút được lượng lớn nhà đầu tư. Vậy trái phiếu doanh nghiệp là gì? Tại sao doanh nghiệp phát hành trái phiếu? Hãy đi tìm hiểu ngay thông qua nội dung bài viết sau đây.

Trái phiếu doanh nghiệp là gì?

Tìm hiểu về trái phiếu doanh nghiệp
Tìm hiểu về trái phiếu doanh nghiệp

“Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.” – (Theo Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP)

Như vậy, trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán nợ do doanh nghiệp phát hành để huy động vốn từ các nhà đầu tư. Người mua trái phiếu, hay còn gọi là trái chủ, cho doanh nghiệp vay một khoản tiền nhất định và nhận lãi suất theo thỏa thuận trong suốt kỳ hạn của trái phiếu. Khi đến hạn, doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại khoản gốc đã vay.

Phân loại Trái phiếu doanh nghiệp đang có trên thị trường Việt Nam

Các trái phiếu doanh nghiệp đang có trên thị trường Việt Nam được phân làm 2 loại là trái phiếu niêm yết và trái phiếu chưa niêm yết (trái phiếu OTC)

  • Trái phiếu niêm yết được đăng ký và lưu ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký Chứng khoán và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), theo quy định của nhà nước, được giao dịch công khai trên sàn chứng khoán HNX và HoSE. Sở giao dịch chứng khoán sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, niêm yết các hoạt động giao dịch trái phiếu trên thị trường.
  • Trái phiếu OTC chưa được đăng ký tại VSDC, được giao dịch trên thị trường OTC. Loại trái phiếu này không chịu các quản lý, quy định như trái phiếu niêm yết mà hoàn toàn dựa trên thỏa thuận giữa các nhà đầu tư.

Qua đó, ta thấy trái phiếu niêm yết sẽ có những đặc điểm là tập trung, minh bạch, thanh khoản cao, có thể chiết khấu tại ngân hàng. Còn trái phiếu OTC mang tính rủi ro cao như thanh khoản kém, rủi ro phá sản của doanh nghiệp phát hành …

Để hạn chế trái phiếu OTC, các trái phiếu doanh nghiệp khi phát hành phải đăng ký, lưu ký tập trung tại VSDC theo Nghị định 65/2022/NĐ-CP đối với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ và theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP đối với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng.

Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp

Nhà đầu tư nên nắm chắc 6 đặc điểm của Trái phiếu doanh nghiệp
Nhà đầu tư nên nắm chắc 6 đặc điểm của Trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp có những đặc điểm như sau mà nhà đầu tư nên nắm chắc:

  • Lãi suất: Doanh nghiệp được lựa chọn xác định lãi suất danh nghĩa của trái phiếu thông qua một trong ba hình thức: lãi suất cố định, lãi suất thả nổi, hoặc kết hợp cả hai loại trong cùng một đợt phát hành căn cứ theo tình hình tài chính và khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp đó. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ các quy định thống nhất của Ngân hàng Nhà nước. Nếu lựa chọn hình thức lãi suất thả nổi, doanh nghiệp phải công bố thông tin làm cơ sở tham chiếu tin cậy cho nhà đầu tư.
  • Kỳ hạn: Thời gian mà trái phiếu phải được trả vốn gốc và lãi suất phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp. Đây có thể là trái phiếu có kỳ hạn ngắn hạn (dưới 1 năm), trung hạn (1 đến 5 năm) hoặc dài hạn (trên 5 năm).
  • Mệnh giá: Đối với thị trường trong nước, mệnh giá trái phiếu là 100 triệu VNĐ hoặc bội số của 100 triệu VNĐ. Đối với thị trường ngoài nước, mệnh giá trái phiếu được áp dụng theo quy định của thị trường sở tại.
  • Hình thức phát hành: Cách công ty phát hành trái phiếu có thể thông qua đợt phát hành riêng lẻ (Private Placement) hoặc đợt phát hành ra công chúng (Public Offering). Dưới hình thức bút toán ghi nợ, chứng chỉ hoặc dữ liệu điện tử tùy vào quyết định của doanh nghiệp.
  • Quyền lợi của trái chủ: Được thanh toán tiền lãi theo định kỳ và hoàn gốc khi đáo hạn, được hưởng các quyền lợi liên quan đến trái phiếu như: quyền tài sản, quyền chuyển nhượng, quyền cho – nhận và thừa kế.
  • Số lượng phát hành: Doanh nghiệp được tự do quyết định số lượng phát hành trái phiếu, căn cứ trên nhu cầu sử dụng vốn và khả năng huy động trên thị trường tương ứng với từng thời kỳ.

Phân loại trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp được phân làm 2 loại theo mục đích và hình thức phát hành
Trái phiếu doanh nghiệp được phân làm 2 loại theo mục đích và hình thức phát hành

Trái phiếu doanh nghiệp được phân loại theo 2 cách, đó là phân loại theo hình thức phát hành và phân loại theo mục đích phát hành

Phân loại theo hình thức phát hành

Trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng theo một trong các phương thức sau:

  • Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;
  • Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
  • Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.

Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ là chào bán trái phiếu không thuộc trường hợp chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng và theo một trong các phương thức sau đây:

  • Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
  • Chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Phân loại theo mục đích phát hành hoặc quyền lợi của trái chủ

  • Trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm: Là trái phiếu doanh nghiệp không được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần gốc, lãi bằng tài sản của tổ chức phát hành hoặc bên thứ ba hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tài chính tín dụng.
  • Trái phiếu có bảo đảm: Là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.
  • Trái phiếu doanh nghiệp xanh: Là loại hình trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
  • Trái phiếu chuyển đổi: Là loại hình trái phiếu do công ty cổ phần phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
  • Trái phiếu kèm chứng quyền: Là loại hình trái phiếu được công ty cổ phần phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.

Tại sao doanh nghiệp phát hành trái phiếu?

Phát hành trái phiếu giúp doanh nghiệp những gì?
Phát hành trái phiếu giúp doanh nghiệp những gì?

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu để huy động vốn phục vụ cho các hoạt động kinh doanh như mở rộng sản xuất, đầu tư vào dự án mới hoặc cơ cấu lại các khoản nợ. Trái phiếu là một công cụ tài chính giúp doanh nghiệp thu hút nguồn vốn với chi phí hợp lý hơn so với vay ngân hàng, đồng thời tránh việc pha loãng cổ phần.

Những quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Luật Chứng khoán đã quy định chi tiết về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Luật Chứng khoán đã quy định chi tiết về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
  • Trái phiếu phát hành riêng lẻ được quy định trong Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 65/2022/NĐ-CP, 08/2023/NĐ-CP, thông tư 122/2020/TT-BTC
  • Trái phiếu phát hành đại chúng: Luật chứng khoán, Nghị định 155/2020/NĐ-CP, Thông tư 118/2020/TT-BTC

Tham khảo thêm về Luật chứng khoán tại https://thuvienphapluat.vn/

Những lưu ý khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Nhà đầu tư cần lưu ý gì khi lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp?
Nhà đầu tư cần lưu ý gì khi lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp?

Khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần lưu ý một số điểm sau:

  • Đánh giá uy tín của doanh nghiệp: Trái phiếu doanh nghiệp không có bảo đảm là một khoản đầu tư rủi ro cao. Nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng tình hình tài chính và uy tín của doanh nghiệp phát hành.
  • Xem xét kỳ hạn và lãi suất: Lựa chọn trái phiếu với kỳ hạn và lãi suất phù hợp với mục tiêu tài chính cá nhân.
  • Quyền lợi của trái chủ: Nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi sở hữu trái phiếu.
  • Tính thanh khoản: Trái phiếu có tính thanh khoản cao sẽ dễ dàng giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Bên cạnh đó, Bộ tài chính cũng đã đưa ra 5 lưu ý đối với nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp:

  • Trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng. Trái phiếu doanh nghiệp được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro khi doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
  • Khi được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhà đầu tư phải lưu ý các quy định của pháp luật chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.
  • Các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.
  • Bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành, vì thế không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).
  • Tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư… Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các kết quả về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành. Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Qua những thông tin trên, ta thấy trái phiếu doanh nghiệp là một công cụ đầu tư hữu ích với nhiều đặc điểm và loại hình phong phú. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cẩn trọng và hiểu rõ các yếu tố liên quan trước khi quyết định đầu tư.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn “Trái phiếu doanh nghiệp là gì?”. Để tìm hiểu thêm các kiến thức chuyên sâu về chứng khoán, các bạn xem thêm tại http://chungkhoan.com.vn

Share This Article
Leave a comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *